Trong lịch sử, việc trở thành hoàng hậu dường như là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng riêng với Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã phải bỏ qua nhiều điều cấm kỵ, thậm chí bãi bỏ luôn cả hậu cung chỉ để cưới được bà làm vợ.
Triều nhà Nguyễn rất kỵ việc sắc phong hoàng hậu sớm. Ngoại trừ Thừa Thiên Cao hoàng hậu và Thuận Thiên Cao hoàng hậu thời vua Gia Long đầu nhà Nguyễn ra, cho đến tận cuối nhà Nguyễn, trước thời vua Bảo Đại, thì phi tần chết rồi mới có người được phong làm hoàng hậu. Thế nhưng ngày cưới cũng chính là ngày mà vua Bảo Đại tuyên bố sắc phong cho Nam Phương hoàng hậu, vua cũng bãi bỏ luôn cả hậu cung và cam kết “một vợ một chồng” với bà.
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, con của một gia đình hào phú vùng Nam Bộ ở huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ông ngoại của bà là Lê Phát Đạt – người giàu nhất Nam Bộ đầu thế kỷ 20.
Lúc còn trẻ, Nguyễn Hữu Thị Lan đã nổi tiếng bởi dáng người cao, xinh đẹp, lại có học thức. Năm 12 tuổi bà đã sang Paris, Pháp, học ở trường Couvent des Oiseaux. Đến năm 18 tuổi (1932), có sách ghi rằng bà đậu tú tài rồi về nước. Nếu đây là sự thật thì quả là điều hiếm có với người phụ nữ Việt vào thời đó. Nhưng về vấn đề này, vua Bảo Đại chỉ ghi là: “Elle vient de terminer ses études au Couvent des Oiseaux, en France”, có nghĩa là “cô ấy vừa mới kết thúc học tập tại trường Couvent des Oiseaux, Pháp”. Năm 1933, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp vua Bảo Đại và một năm sau thì tổ chức lễ cưới.
Trong hồi ký của mình, vua Bảo Đại kể rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Nam Phương hoàng hậu diễn ra tại Đà Lạt vào mùa hè năm 1933, trong bữa tiệc của quan Đốc lý người Pháp.
Bảo Đại cũng viết trong cuốn “Con rồng Việt Nam” rằng: Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng.
Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất là Nguyễn Hữu Thị Lan theo Công giáo. Khi trở về Huế, vua Bảo Đại ngỏ ý lấy vợ theo Công giáo, lại được đào tạo ở Tây phương. Một con gái gia đình không chức tước, quen tự do phương Tây, lại theo Công giáo thì làm sao có thể giữ được khuôn phép khi làm dâu hoàng tộc? Bà Từ Cung không đồng ý vì muốn một cô con dâu truyền thống, quan lại có người chống đối vì quyền lợi, có người ái ngại vì văn hóa khác biệt, rồi còn vấn đề giáo dục con cái theo đạo nào và thờ cúng tổ tiên như thế nào nữa…
Để vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan tiến đến hôn nhân, người Pháp đã xin Tòa Thánh Vatican cho phép người nào giữ đạo nấy, thế nhưng đám cưới đang đươc chuẩn bị thì Tòa Thánh trả lời không đồng ý. Đám cưới vẫn diễn ra, và vì điều này mà hoàng hậu Nam Phương bị Giáo hoàng rút phép thông công, đến khi Giáo hoàng mới lên kế nhiệm vào năm 1939 mới tha phạt vạ.
Đối với Nguyễn Hữu Thị Lan, bà cũng phải đương đầu với một vấn đề khác. Những chỉ dụ cấm đạo và sát đạo hồi nào mới chỉ vừa ráo mực, nếu là một người không có sự mạnh mẽ, can đảm, có đức tin, thì liệu có dám dấn thân làm hoàng hậu hay không? Có thể nói rằng bà đã rất dũng cảm khi đi đến quyết định đó.
Dù nhà trai bị gượng ép phải đồng ý cuộc hôn nhân này, nhưng đám cưới cuối cùng cũng được hoàn tất. Một đám cưới thu hút rất nhiều sự quan tâm và bình luận lúc bấy giờ bởi vì nó phá bỏ hầu hết các quy định phép tắc trước đó.
Vua Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: Tôi đã chọn tên trị vì cho Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép nàng được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế.