Đã không còn cảnh "ngựa xe như nước" của cái thời người ta đi lại chủ yếu bằng xe ngựa, cưỡi ngựa, cũng đã xa rồi "thời thịnh vượng" của xe ngựa thồ hàng, vùng cao Lâm Đồng giờ chỉ còn lại chút hình ảnh của ngựa và xe ngựa.

ngua-da-lat

Bây giờ dạo một vòng Đà Lạt, nhất là ở những điểm tham quan, khu du lịch nổi tiếng như vườn hoa thành phố, thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ, thung lũng Vàng, thác Prenn, núi Lang Biang... hay men theo hồ Xuân Hương thơ mộng, vẫn dễ nhìn thấy những chú ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ, những chiếc xe ngựa chậm rãi dạo phố.

ngua-da-lat

Những chú ngựa trong khu du lịch chờ đợi vị khách nào có hứng thú, muốn làm vài "pô" ảnh kỷ niệm tạo dáng bên ngựa, hoặc ngon lành hơn, tót hẳn lên lưng ngựa, nai nịt gọn gàng, mũ áo như "cao bồi thứ thiệt" để có một tấm ảnh thật "chất" ghi nhớ chuyến du lịch vùng cao. Xe ngựa cũng vậy, đứng bên hồ hay trước cổng vườn hoa, trong khu du lịch, để chờ người ta đến chụp ảnh lưu niệm là chính. Thi thoảng mới có vài ba khách muốn làm một vòng quanh hồ Xuân Hương bằng xe ngựa để có phút lãng mạn với chút hương xưa nơi "thành phố tình yêu". Và vì thế, xe ngựa giờ chủ yếu phục vụ cho những đôi uyên ương trong những album ảnh cưới tuyệt đẹp.

ngua-da-lat

Các nài ngựa kể, thời hoàng kim của nghề xe ngựa là những năm sau giải phóng, nhất là thập niên 80 của thế kỷ 20. Khi phương tiện vận chuyển chưa nhiều, đời sống kinh tế nhiều khó khăn, xăng dầu còn là "của hiếm", thì việc vận chuyển nông sản, chuyên chở hàng hóa, và cả người dân phụ thuộc rất nhiều vào xe ngựa. Từ Lạc Lâm, Thạnh Mỹ, có khi xe ngựa chở hàng đi mấy chục cây số đến tận Phi Nôm, Tùng Nghĩa (nay là thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng kề bên). Người đánh xe ngựa thời đó nuôi sống được cả gia đình.

ngua-da-lat

Đời người, đời ngựa ở xứ này cứ đan xen, quấn quyện. “Người xưa có câu: “Làm thân trâu ngựa”, nhưng với nghề này, mình đói chứ không để ngựa đói” – anh Nguyễn Quốc Trưởng, người nối nghiệp xe ngựa cho biết.

ngua-da-lat

Đã từ lâu người ta không còn thấy những cuộc đua ngựa đặc trưng của vùng cao nguyên. Chính từ đó cuối năm 2017 đã diễn ra một chương trình đua ngựa không yên dành cho người dân tộc K'Ho bản địa dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) tranh tài.

ngua-da-lat

Giải đua ngựa không yên thu hút 16 kỵ mã tranh tài được lựa chọn từ vòng sơ tuyển trước đó. Vòng đua cuối được chia ra 4 nhóm đua theo 4 đợt loại trực tiếp. Cuộc đua ngựa đã diễn ra rất thành công và được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân nơi đây cũng như khách du lịch ghé thăm vào dịp này.

ngua-da-lat

Theo sự phát triển của xã hội, “chức năng” của ngựa đã bị thu hẹp và số lượng ngựa trên cao nguyên Lâm Viên cũng giảm đi nhiều. Nhưng, vào một đêm trăng thanh lên xứ mộng mơ Đà Lạt, một chiều thung thăng đi về phía núi… tiếng vó ngựa vẫn gõ giòn và tung bay trên nền trời xanh sâu thẳm.

ngua-da-lat